Tiền và Thần tình yêu - January 17, 2007

O' Henry

Nghe có tiếng xe hơi đậu, ông Anthony Rockwall - nhà công nghiệp, chủ hãng xà phòng Eureka nay đã nghỉ hưu - ngẩng lên, nhìn qua cửa sổ phòng đọc sách. Thấy người hàng xóm ở kế bên phải - lão quí tộc G.Van Schuylight Suffolk Jones - bước xuống xe, ông bắt tức cười. Như thường lệ, vừa chạm mặt pho tượng Ý thời Phục hưng đặt trước tiền sảnh dinh cơ của ông, lão quí tộc lại nhăn tít cái mũi khoằm khoặm lại.

Cựu hoàng xà phòng lắc đầu: ”Khó chịu với cái bức tượng cổ ấy làm gì cơ chứ ; phải lão đừng để ý, ta đã tặng nó cho viện bảo tàng rồi…Hè tới đây, ta sẽ cho sơn lại ngôi nhà này, không biết lúc ấy cái mũi vẹt của lão còn chun tới đâu nữa!”.

Vươn vai đứng dậy bước ra cửa phòng, với cái giọng rền vang như chuông vỡ, ông gọi to: ”Mike!”; và khi nghe có tiếng đáp, ông bảo: “Nói với con trai ta, có đi đâu thì cũng phải vào đây một lúc đã, nhé!”.

Và, khi con trai ông - một tay xóc xóc xâu chìa khóa trong túi quần, tay kia vò đầu nhưng quần áo vẫn tươm tất - bước vào, ông đặt tờ báo sang một bên, soi mói nhìn anh. Đột nhiên, ông hỏi:

- Richard, xà phòng con vẫn dùng, con trả thế nào?

Richard bối rối. Mới ra trường, về nhà chưa đến sáu tháng, chưa hiểu hết tính khí của ông già, anh lúng túng cứ như một cô gái khi đến dự buổi khiêu vũ đầu tiên trong đời. Anh lắp bắp:

- Đâu chừng... sáu đô la một tá, bố à!

- Còn quần áo con vẫn mặc?

- Dạ... cỡ sáu mươi đô; cũng vừa phải thôi...

Ngồi nhỏm dậy, vẻ dứt khoát, ông già bảo:

- Con thuộc giới thượng lưu. Bố nghe nói giới trẻ thượng lưu vẫn xài xà phòng loại hai mươi bốn đô một tá, và quần áo chúng mặc không thứ nào dưới một trăm đô; con đâu có thiếu tiền, tội gì phải dè sẻn! Hiện nay, không phải vì tư vị mà bố vẫn xài xà phòng Eureka loại cũ; đó là loại tốt nhất đấy. Đừng có vì hà tiện mười xu mà đi mua loại xà phòng tồi; đối với thanh niên ở thế hệ của con, với vị trí xã hội như con, xài xà phòng loại năm mươi xu một bánh thì cũng cho là được đi. Bố đã nói, con thuộc giới thượng lưu; người ta vẫn thường nói là phải phấn đấu cả ba đời mới chen chân được vào giới đó, bố không tin như vậy. Cũng như dầu để nấu xà phòng, tiền bạc bôi trơn tuốt; tiền bạc sẽ đặt con vào giới thượng lưu. Nói không quá đáng chứ, nhờ có tiền, bố mới là bố, bố thô lỗ, bố cục mịch không khác mấy lão ở kế nhà mình, vậy mà bố còn phải vãi tiền ra mới được xem là cùng giới với họ...

- Cũng có thứ mà tiền không làm được đâu, bố à! - Richard rầu rĩ đáp.

Ông già tỏ ra phật ý:

- Thời buổi này mà con còn nói vậy à? Bố sẵn sàng đánh cuộc đấy. Con cứ thử tra từ đầu đến cuối quyển đại từ điển bách khoa xem, có thứ gì mà con không mua được bằng tiền không; bố đố con đấy...

Vẻ bứt rứt, Richard đáp:

- Có đấy bố; có một thứ mà không tiền bạc nào mua được.

Ông Anthony kêu lên:

- Thật vậy sao? Đâu, con nói thử đi, có thứ gì mà tiền bạc không thể mua được đâu nào?

Richard lắc đầu.

Ông già quạu:

- Bố kêu con vào là vì chuyện ấy đấy; từ hai tuần nay bố để ý thấy hình như con có chuyện gì không ổn. Có gì mà phải buồn cơ chứ. Bố chỉ nhón tay một cái là thu được ngay mười một triệu đô la trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ, không tính của chìm. Nếu con muốn, chiếc du thuyền Rambler thả neo trong vịnh kia sẽ là của con; đổ than vào, chỉ cần hai ngày là con có thể tắm biển ở Bahamas...

Richard hiểu ý ông già muốn nói gì; anh nói giọng uể oải:

- Bố đoán gần đúng rồi đấy.

- A! - ông già nheo mắt, reo lên:

- Vậy thì nói đi, cô ta tên gì nào?

Richard đi đi lại lại quanh phòng; ông già tuy hay lớn tiếng nhưng coi bộ từng trải, dễ gần, có thể trút bầu tâm sự được.

Thấy Richard không trả lời, ông già lại đoán:

- Con chưa biết tên cô ta à; sao không hỏi? Bố tin là cô ta ngã vào vòng tay con ngay ấy chứ! Con có tiền này, đẹp trai này, lịch thiệp này, tay con không hôi mùi xà phòng này, con có học này... cô ta còn muốn gì nữa, hả?

- Con không có cơ hội gần gũi cô ấy. - Richard rầu rĩ đáp.

- Cơ hội - Ông già kêu lên - Sao không tạo cơ hội? Mời cô ta đi dạo ở công viên, đưa cô ta về nhà sau khi xem lễ, đón cô ta sau buổi hòa nhạc… Ôi dào, cơ với chả hội!

- Bố không biết ấy chứ... trong tầng lớp cô ta, giờ giấc sít sao lắm, được sắp đặt trước hàng mấy ngày... Không cưới được cô ấy, đối với con, thị trấn này chẳng khác gì chốn ngục tù u ám... Con không viết thư cho cô ấy được đâu, làm như vậy không được đâu!

- Thôi đi, ý con muốn nói tiền bố cho con chưa đủ để mua một hai giờ trò chuyện tay đôi với cô ta chứ gì?

- Trễ rồi bố à! Trưa ngày kia là cô ấy đi châu Âu học trong hai năm. Ngày mai con sẽ gặp riêng cô ấy được ít phút. Lúc này cô ấy đang ở nhà bà dì ở Larchmont, con không đến đó được, nhưng cô ấy đã nhận lời cho con đi taxi đến đón cô ấy ở ga xe lửa trung tâm lúc 8g30, từ đó tụi con phải đi thật nhanh đến rạp Wallace. Mẹ cô ấy và mấy người nữa sẽ đợi sẵn ở đó để cùng vào xem kịch với tụi con. Bố thử nghĩ, trong hoàn cảnh ấy, với sáu, bảy phút, con làm sao nói chuyện được với cô ấy, nói được gì nào? Rồi trong khi xem kịch hoặc cả sau đó nữa, còn cơ hội nào để con bày tỏ với cô ấy đây? Không, không còn cơ hội nào nữa đâu! Tiền bạc của bố không giúp gì được đâu, không mua được phút nào đâu! Nếu mua được, hẳn người giàu đã bỏ tiền ra mua để được sống lâu hơn... Từ bây giờ cho đến lúc cô ấy lên đường, không hy vọng gì kiếm ra thời gian để gặp riêng cô ấy được đâu!

Ông Anthony nheo mắt:

- Được rồi, được rồi, Richard. Giờ thì con có thể xuống câu lạc bộ chơi được rồi đấy. Bố hy vọng là con không quá si ngốc đến mức quên cả vui chơi… À, thỉnh thoảng con cũng nên vào đền thắp vài nén nhang cầu thần Mazuma phù hộ... - Ngừng một chút, ông tiếp: - Tất nhiên là con không thể dùng tiền mua thêm thời gian cho mình hoặc ra lệnh cho thời gian ngừng trôi, nhưng bố thì đã nhiều lần bố trông thấy Thần Thời gian vấp té dập cả chân khi bước qua mấy cái mỏ vàng đấy!

Tối đó, lúc ông già đang đọc tờ báo buổi chiều thì cô Ellen tới; chẳng mấy chốc, cuộc chuyện trò giữa hai anh em đã xoay quanh chuyện thằng cháu si tình.

Ông già che miệng ngáp:

- Nó nói với tôi cả rồi, và tôi cũng đã nói với nó là tiền bạc của tôi là để lo cho nó, nhưng nó không tin là tiền bạc có thể lo được. Nó nói tiền bạc cũng chẳng ích gì. Nó nói là dù cho có cả chục ông triệu phú cùng xúm vào cũng không thể nào lay chuyển nổi các ước lệ xã hội...

Cô Ellen nóng nảy:

- Anh Anthony này, anh đừng nói đến chuyện tiền bạc nữa, có được không! Đối với tình yêu chân thành thì tiền bạc có ý nghĩa gì cơ chứ! Anh phải biết, tình yêu có sức mạnh vạn năng. Phải chi nó chịu nói sơm sớm một chút... Em biết, cô ta không từ chối thằng Richard nhà mình đâu. Giờ thì trễ quá rồi, thằng bé đâu còn dịp nào để ngỏ ý với cô ta nữa chứ! Tiền bạc của anh làm sao mua được hạnh phúc cho nó!

Tám giờ tối hôm sau, cô Ellen lục trong chiếc hòm mọt đục, lấy ra một chiếc nhẫn vàng trông là lạ, đem đến cho Richard. Cô bảo:

- Đây là chiếc nhẫn mẹ cháu để lại cho cô. Mẹ cháu nói là nó đem lại may mắn trong tình yêu, và dặn cô trao lại cho cháu khi nào cháu tìm được người yêu. Tối nay, cháu nhớ đeo vào tay…

Richard thành kính cầm chiếc nhẫn, ướm vào ngón tay út; nó hơi lỏng, vào quá đốt thứ hai một tí mới dừng lại. Với phong thái chững chạc của một người đã trưởng thành, anh cởi nhẫn ra, cất vào túi áo vét, xong, anh quay điện thoại gọi taxi.

Tám giờ ba mươi hai phút, anh nhìn thấy Lantry đứng lẫn trong đám đông trước cửa nhà ga. Thấy anh, cô gái nói nhanh:

- Mình phải nhanh nhanh lên mới được, đừng để mẹ phải đợi lâu!

- Tới rạp Wallace, càng nhanh càng tốt. - Richard ra lệnh cho tài xế.

Theo đường Bốn mươi hai, xe đổ ra đại lộ Broadway, xuôi theo làn đường dành riêng cho xe con. Đến đường Ba mươi tư, Richard đập vai tài xế, bảo dừng lại. Anh xin lỗi cô bạn, xuống xe:

- Tôi bị rớt chiếc nhẫn. Chờ tôi một phút, tôi thấy chỗ nó rơi rồi. Nhẫn mẹ tôi để lại, để mất... tôi không đành lòng...

Chưa đến một phút, anh đã quay trở lại, chiếc nhẫn trên tay.

Nhưng, trong khoảng thời gian chưa đến một phút đó, không biết từ đâu, một chiếc xe to kềnh đã đậu chắn ngay phía trước chiếc taxi. Tài xế lách sang trái, cố vượt qua, nhưng vướng phải chiếc xe tải chất đầy hàng hóa; anh ta lùi xe, tính lách sang phải, lại đụng nhằm chiếc xe chở bàn ghế tủ giường lổn ngổn đậu ở phía sau, lái xe không biết đã bỏ đi đâu; hết đường xoay trở, tài xế rủa thầm trong bụng, ôm vô-lăng chịu trận giữa cái mớ xe cộ vô ý thức đó.

Cô Lantry nóng nảy giục:

- Đi đi chứ, trễ quá rồi!

Richard nhổm lên, nhìn quanh. Cả một rừng xe – nào taxi, nào xe tải, xe con, xe tải nặng... đậu bít cả giao lộ mênh mông nơi các con đường Ba mươi tư, đại lộ số Sáu, đại lộ Broadway cắt nhau; đã vậy, từ các đường nhánh, xe cộ cứ ùn ùn đổ tới, cản sau xe trước chạm cản trước xe sau, cả cửa xe cũng bị ép cứng, không tài nào mở ra được.

Richard ngồi xuống, lắc đầu:

- Mình bị kẹt xe rồi. Ít ra cũng phải cả tiếng đồng hồ mới giải tỏa được cái mớ bòng bong này... Cũng tại tôi, phải chi chiếc nhẫn không rớt thì đâu đến nỗi...

Cô Lantry hỏi:

- Chiếc nhẫn đâu, anh cho xem... Tôi không trách anh đâu; vả lại tôi chỉ lo mẹ mong, chứ kịch thì cũng chẳng có gì đáng để xem...

Mười một giờ tối. Cửa phòng ông Anthony có tiếng gõ. Đang nằm trên giường xem dở quyển truyện phiêu lưu, ông già quát:

- Vào đi!

Đó là cô Ellen. Cô nói, không giấu nổi vẻ náo nức:

- Anh Anthony, tụi nó đính hôn rồi; cô ấy nhận lời cầu hôn của thằng Richard nhà mình rồi!... Tụi nó kẹt xe suốt hai tiếng đồng hồ, và thằng bé nhà mình đã không bỏ lỡ cơ hội...

Ngừng một chút để thở, cô nói tiếp:

- Nào, anh Anthony, giờ thì anh hết khoe của nhé! Chỉ cần một biểu tượng của tình yêu, chỉ cần một chiếc nhẫn tượng trưng cho tình yêu chân thành, chung thủy cũng đủ để thằng Richard nhà mình tìm thấy hạnh phúc... Tiền bạc thì làm sao bù được với tấm chân tình kia chứ!

Ông Anthony ngắt lời:

- Đủ rồi, đủ rồi; chỉ cần thằng bé đạt được ý nguyện là tôi mừng rồi. Tôi đã bảo, nếu nó cần thì tốn kém bao nhiêu tôi cũng không tiếc...

Cô Ellen cố cãi:

- Nhưng thử hỏi trong chuyện này, tiền bạc có đem lại được điều gì tốt đẹp không nào?!

Ông Anthony Rockwall dài giọng:

- Thôi nào, cô em; tôi đang đọc đến chỗ tên cướp bị đắm tàu đây này; để xem tiền bạc có thể cứu hắn thoát chết đuối được không… Cô để tôi đọc hết chương này đã, có được không?

Chuyện đến đây là hết. Tự thâm tâm, tôi mong là độc giả cũng hài lòng với hạnh phúc của Richard. Tuy nhiên, tôi nghĩ, nói gì thì nói, tỏ tường ngành ngọn vẫn hơn.

Sáng hôm sau, trước dinh cơ ông cựu hoàng xà phòng xuất hiện một người mặc áo ngắn tay, thắt chiếc cà-vạt xanh lốm đốm; anh ta rung chuông và được mời ngay vào phòng đọc sách.

Vớ tập ngân phiếu trên bàn, ông Anthony xé một tờ:

- Đây, năm ngàn tiền mặt, thưởng cho anh về khoản dầu để nấu xà phòng…

Kelly, người mặc áo ngắn tay, nói:

- Tôi còn phải xuất thêm ba trăm đô ngoài kế hoạch nữa đó: thuê thêm chiếc xe hàng với mấy chiếc taxi hết năm đô, chiếc xe tải nặng và mấy chiếc tải nhẹ mất mười đô. Mấy người chạy mô-tô đòi mười đô, đội bốc vác đòi hai mươi đô. Cảnh sát giao thông quất tôi nặng nhất, hai người trước, mỗi người năm mươi đô; hai người sau, một người hai mươi, một người hai mươi lăm... nhưng... họ cũng làm ra trò đấy chứ, ngài Rockwall? Cũng may mà ngài Thị trưởng không nhìn thấy cảnh kẹt xe... Chẳng tập dượt gì mà giờ giấc đâu đó khít rim; đúng hai tiếng đồng hồ, không sai chạy lấy một giây...

- Một ngàn ba trăm đô, anh cầm lấy. Thưởng thêm cho anh một ngàn, còn ba trăm là để bù vào số tiền túi của anh. Anh không chê tiền chứ, anh Kelly?

- Tôi ấy à? Cứ có tiền thì bắt tôi làm mọi tôi cũng làm.

Ông Anthony gọi giật lại khi Kelly vừa ra đến cửa:

- Tôi quên hỏi, ở chỗ kẹt xe, anh có trông thấy một chú bé bụ bẫm, trần truồng, giương cung bắn vãi ra bốn hướng không?

Kelly ngơ ngác:

- Sao, ông nói sao? Bắn tên vãi ra ấy à? Dààà... tôi không thấy, nhưng nếu có hẳn nó đã bị cảnh sát bắt nhốt từ trước rồi...

- Dễ gì bắt được nó - ông Anthony cười: - Thôi chào anh, Kelly!

Comments

Popular posts from this blog

Chuyện con mèo dạy hải âu bay

Đàn bà cá tính

Rock + Adam Lambert + Sex & Me inside...