Emil i Lönneberga (Nhóc Emil ở làng Lönneberga)

Tác giả: Astrid Lindgren
Người dịch từ bản tiếng Đức: Vũ Hương Giang

Để nguyên cái tiêu đề bằng tiếng Thụy Điển không phải nhằm khoe khoang khả năng ngoại ngữ, mà chỉ để bạn nào muốn tìm kiếm bất cứ thứ gì liên quan đến tác phẩm tuyệt vời này có thể tự tìm trên internet. Khẳng định lần nữa là nửa chữ Thụy Điển mình cũng không biết, tiếng Đức cũng vậy.
 Trên đời này có những cuốn sách cho trẻ con nhưng những đứa già nửa đời người như mình đọc lúc nào cũng thấy thích thú đến mức chưa đọc hết thì chưa gấp sách lại được.
 
“Lại thằng nhóc Emil!” – đấy là câu nói cửa miệng của dân làng Lonneberga, tỉnh Smaland, Thụy Điển mỗi khi họ phát hiện ra một trò nghịch ngợm tai quái nào đó. Chẳng có ai ngoài thằng nhóc Emil ở trang trại Katthult có thể nghĩ ra những trò quái đản ấy.
 Và mỗi khi bày trò nghịch ngợm, Emil lại bị bố phạt tới ngồi trong xưởng mộc của gia đình để suy nghĩ về những lỗi lầm mà nó gây ra. Bởi thế mà cái xưởng mộc lại trở nên thân quen với nó, đến nỗi giờ đây, chẳng cần ai phải nhắc nhở, nó đều tự động tới xưởng mộc mỗi lần nghịch ngợm, tìm cách giết thời gian bằng việc đẽo những hình nhân gỗ, và từ cái ngày Emil phải vào xưởng mộc lần đầu tiên đến bây giờ, số lượng hình nhân gỗ của nó đã lên tới con số hàng trăm...
 Mỗi hình nhân gỗ tương ứng với một trò nghịch ngợm của Emil ra đời. Không hình nhân nào giống nhau, cũng như không có trò nghịch ngợm nào của thằng nhóc bị lặp lại bao giờ. Emil mắc đầu trong liễn súp, Emil treo bé Ida lên đỉnh cột cờ, Emil nhốt bố trong nhà vệ sinh, Emil làm náo loạn phiên đấu giá, Emil nhổ răng hàm cho cô Lina, Emil bỏ con ếch vào giỏ đồ ăn... Những trò nghịch ngợm khiến bố nó tức điên và mẹ nó thở dài, còn dân làng Lonneberga thì tỏ ra thương hại ông bà Svensson tới mức họ phải tổ chức quyên góp tiền để gia đình đưa Emil... sang Mỹ.
  Dù vậy, là một cậu bé rất thông minh và luôn nghĩ đến mọi người nên Emil đã làm được không ít những việc tốt như tổ chức tiệc giáng sinh cho những cụ già trong trại tế bần, dạy cho mụ Maduskan tham lam một bài học đích đáng hay một mình đánh xe ngựa đi giữa trời bão tuyết để cứu chú Alfred khỏi cái chết cận kề vì bệnh nhiễm trùng máu... Bởi thế mà mọi  người nhiều khi phát điên vì những trò nghịch ngợm của Emil nhưng vẫn không thể nào không yêu mến cậu.

Như mọi khi, mình lại trích vài đoạn cho các bạn giải trí:


Emil làng Lönneberga là tên một thằng nhóc sống ở làng Lönneberga. Đó là một thằng nhóc hiếu động và bướng bỉnh chứ không ngoan ngoãn được như các bạn, mặc dù trông nó dễ thương. Mà quả dễ thương thật những lúc nó không gào thét.
Mắt Emil xanh và tròn xoe, gương mặt cũng tròn, hai má đỏ au, mái tóc sáng màu vừa bông vừa mềm. Mọi nét gộp lại khiến nó trông dễ thương đến nỗi người ta có thể tưởng đâu Emil là một thiên thần nhỏ đích thực. Nhưng ai ơi chớ có tưởng bở.
Thằng nhóc lên năm tuổi và khỏe như một con bò mộng nhỏ. Nó sống trong trang trại Katthult ở làng Lönneberga tại Smăland, một vùng đất thuộc Thụy Điển. Và bởi dân vùng Smăland nói tiếng địa phương Smăland nên Emil cũng đặc sệt giọng ấy. Đấy đâu phải lỗi của nó. Giả sử nó muốn lấy mũ, nó không nói như những đứa trẻ khác: “Cho con xin cái mũ”, mà nói: “Đưa con cái mú!” Cái “mú” của Emil là một chiếc mũ mềm xanh lơ có lưỡi trai màu đen, trông xấu chết. Bố đã mua cho nó trong một lần lên thị trấn.
Emil rất khoái cái mũ. Tối tối hễ đến lúc phải đi ngủ, nó lại nói: “Đưa con cái mú!” Tuy nhiên mẹ lại cho rằng Emil không nên mang mũ lên giường . Bà định cất chiếc mũ trên mắc áo ngoài hành lang. Thế là Emil hét toáng lên khiến cả làng Lönneberga đều nghe: “Đưa con cái mú!”
Cứ như vậy suốt ba tuần lễ, đêm nào Emil cũng ngủ với cái mũ sùm sụp trên đầu. Rốt cuộc nó có sao đâu, dù hơi bó đầu một tẹo. Cái chính là Emil được làm theo ý mình, đấy mới là điều nó quan tâm nhất. Đặc biệt Emil không thích nghe theo những gì mẹ muốn. Lần nọ, vào ngày lễ Giáng sinh, mẹ tìm cách dỗ Emil ăn món đậu đũa, vì rau rất có lợi cho sức khỏe. Nhưng Emil bảo không.
– Con định không khi nào ăn rau sao? – Mẹ nó nói.
- Có chứ ạ, – Emil đáp, – nhưng phải đúng là rau.
Rồi rất lặng lẽ, nó đến ngồi sau cây thông Noen và bắt đầu gặm lá thông. Nhưng nó đã vội dừng lại vì bị lá thông nhọn chọc vào mồm.
Emil ương bướng thế đấy. Nó muốn quyết định về bố mẹ mình, về trang tại Katthult, và thích nhất là quyết định cho cả làng Lönneberga luôn, nhưng dân làng Lönneberga đâu có chịu.
– Khổ thân cái nhà anh chị Svensson ở trang trại Katthult, có thằng con nghịch như quỷ sứ! – Họ nói. – Ngữ ấy chẳng bao giờ nên người được. 

Thứ Hai, ngày 26 tháng Mười hai, ngày Emil tổ chức “cuộc tổng càn quét ở Katthult” và bắt được mụ Maduskan trong bẫy sói.
Trước khi có thể đón lễ Giáng sinh, người ta còn phải vượt qua mùa Thu lạnh giá, mùa gió và u ám, cái tiết trời chẳng dễ chịu ở bất kỳ đâu. Cũng chẳng dễ chịu ở Katthult. Dưới màn mưa phùn, chú Alfred lầm lũi theo sau hai con bò cày thửa ruộng rắn như đá, bám sau chú là Emil bước thập thõm trên luống cầy. Nó giúp chú Alfred thúc giục mấy con bò vừa lười chảy thây vừa hầu như không hiểu nổi tại sao ruộng cứ phải cày mới tốt. Nhưng rồi chẳng mấy chốc trời đã nhá nhem tối, nên chú Alfred tháo cày ra và cả bọn lê bước về nhà: chú Alfred, Emil và hai con bò. Sau đó hai chú cháu cứ thế dận nguyên cả ủng còn bê bết những tảng bùn lớn vào bếp khiến cô Lina nổi đóa vì cô sợ họ bôi bẩn sàn bếp vừa cọ sạch của cô.
– Người đâu mà đanh đá, – chú Alfred nói. – Ai cưới phải ngữ này thì đố còn nổi một giây yên tĩnh cho tới lúc chết.
– Vâng, mà chắc là chú chứ ai, – Emil đáp.
Chú Alfred im lặng nghĩ ngợi. – Không, cháu thấy đấy, không phải chú, – cuối cùng chú Alfred nói. – Chú chẳng dám. Nhưng chú cũng không dám nói với cô ấy điều đó.
– Chú muốn cháu nói hộ không? – Emil, thằng bé rất can đảm và sốt sắng, bèn hỏi. Nhưng chú Alfred không muốn.
Chú Alfred cứ suy nghĩ mãi xem làm thế nào để cô Lina hiểu là chú không muốn cưới cô, nhưng chẳng nảy ra được ý gì hay ho.
Lúc này bóng tối mùa Thu đã đè nặng lên trang trại Katthult. Mới ba giờ chiều mà đã phải thắp đèn dầu trong bếp, nơi mọi người ngồi quây quần, ai làm việc người nấy. Mẹ Emil đang quay guồng kéo những sợi len trắng mịn sẽ dùng để đan bít tất cho Emil và bé Ida. Cô Lina cào bông và bà Krösa–Maja cũng vậy, nếu bà có mặt. Bố Emil vá giày và nhờ thế tiết kiệm được vô khối tiền mà đáng ra bác thợ giày trong làng đã được đút túi. Chú Alfred cũng chăm chỉ không kém, chú đang tự mạng lấy bít tất. Những chiếc tất của chú thường xuyên thủng những lỗ to tướng ở ngón chân cái và gót chân, nhưng chú đã nhanh chóng khâu tịt chúng lại. Cô Lina rất muốn giúp, nhưng chú không khiến.
– Không, cháu thấy đấy, để chú bị sa vào bẫy à, – chú Alfred giải thích với Emil. – Trót nhờ rồi, thì sau này có khéo nói đến đâu cô ấy cũng đừng hòng chịu hiểu.
Emil và bé Ida thường chui dưới gầm bàn chơi với con mèo. Lần nọ Emil cố thuyết phục Ida rằng con mèo thực ra là một con sói, và khi thấy cô em nhất định không chịu tin, thằng anh bèn bắt chước tiếng sói tru khiến ai nấy trong bếp đều giật thót người. Mẹ muốn biết sao Emil lại tru lên như thế. Emil đáp:
– Chúng con đang có một con sói dưới gầm bàn ạ.
Lập tức bà Krösa–Maja bắt đầu kể chuyện sói, và lập tức cả Emil và bé Ida lần lượt hớn hở bò ra khỏi gầm bàn để lắng nghe. Thế nào cũng sắp có cái gì đó cái gì đó kinh dị, chúng biết thế, vì bà Krösa–Maja toàn kể những chuyện kinh dị. Nếu không phải chuyện lũ sát nhân hay trộm cắp, ma quỷ, thì lại là những cảnh chặt đầu ghê rợn, giàn thiêu khủng khiếp, tai nạn kinh hoàng, bệnh tật chết người hoặc những con thú nguy hiểm. Ví như sói chẳng hạn.
– Thời tôi còn nhỏ, – bà Krösa–Maja mở đầu, – ở xứ Smăland này có rất nhiều sói.
– Nhưng Đức Vua Karl thứ Mười Hai đã đến và bắn chết chúng…..may quá! – Cô Lina xen vào.
Thế là bà Krösa–Maja nổi giận. Bà cao tuổi thật, nhưng đâu đã già tới mức như cô Lina tưởng.
– Cô thì biết gì mà nói, – bà mắng và không muốn kể chuyện nữa. Nhưng Emil cứ ngon ngọt năn nỉ và thúc ép quá, nên cuối cùng bà lại nhượng bộ và kể cơ man là chuyện đáng sợ về bầy sói và chuyện thời xưa, khi bà còn nhỏ, người ta đã đào bẫy sói như thế nào, và bắt được sói trong đó ra sao.
– Thế nghĩa là Karl thứ Mười Hai khỏi cần đến nữa….. – Cô Lina lại bắt đầu ngứa miệng, nhưng cô đã vội im tịt, vì bà Krösa–Maja lại tức mình, và điều đó cũng không có gì lạ. Karl thứ Mười Hai là vị vua sống cách đây hàng trăm năm, bạn nên biết thế, mà bà Krösa–Maja đâu có già khú già khụ đến mức ấy.
Nhưng Emil lại làm bà mềm lòng lần nữa. Thế là bà Krösa–Maja kể về người sói, loài đáng sợ nhất trong các loài sói, luôn chỉ lượn lờ dưới ánh trăng. Người sói biết nói, bà Krösa–Maja bảo, vì chúng không phải những con sói thường, mà nửa người nửa sói, là loài thú đáng sợ nhất. Ai không may gặp phải người sói trong những đêm trăng thì yên tâm nói lời vĩnh biệt với trần gian, vì trên đời này không có loài dã thú nào tệ hại hơn. Và chính vì vậy mà người ta cần ở trong nhà vào những đêm trăng rằm – bà Krösa–Maja nói vậy, mắt chằm chằm nhìn cô Lina với vẻ tức giận.
– Mặc dù Karl thứ Mười Hai….– Cô Lina lại mở miệng.
Thế là bà Krösa–Maja quăng luôn cái bàn chải cào bông đi và tuyên bố đã đến lúc bà phải về nhà, vì bà đang cảm thấy thực sự già nua và mệt mỏi.

(tạm dừng ở đây vì chưa có thời gian gõ được nhiều, bà con thông cảm nha.)

Comments

  1. Ồ, truyện hay quá, you kể tiếp nhanh nhanh heng.
    Lu thích nhân vật thèng nhóc Emil, thông minh, độc lập, và tốt bụng.
    Ngày trước, lu thích nhất nhân vật hư cấu Trạng Quỳnh trong truyện dân gian VN. Thích cái đầu thông minh hay chọc phá hàng xóm xấu tính, chọc cả đám vua tôi ngớ ngẫn, chọc luôn cả các bà các cô hâm hâm đanh đá, thí dụ như dạng chập cheng hay ăn cơm hớt như cô Linda này :))
    He he, thông minh, sáng tạo, độc lập, thẳng thắn tốt tính, Lu khoái có một thèng ku nhóc con có được những tố chất này đấy.

    ReplyDelete
  2. Còn nhiều chuyện về tụi nhóc tuổi teen mình chưa có thời gian gõ lên đây giới thiệu. Bạn Lu chịu khó chờ vậy nha.
    Những thằng nhóc như thế này giờ khó mà thấy trong xã hội hiện đại vì tụi nó đã trở nên già trước tuổi hết cả rồi. Chúng nó trở nên khôn ngoan, cảnh giác, nghi ngờ tất tật đám người lớn bố láo đang diễn trò trước mắt chúng.

    ReplyDelete
  3. Đó là ở xứ nghèo như nước mình thôi you à, Người lớn đã mhuộm đen bọn trẻ rồi. Nếu you tiếp xúc với những đứa bé xứ người, sẽ thấy chúng nó vẫn giử được tính như thèng bé Emil trong truyện, chỉ là độ thông minh như Emil thì ko phải đứa bé nào cũng có thể có được. Lu ko thích người ta thông minh thẳng thắn hơn là khôn vặt gian xão. Vì ở những người khôn vặt thì mình ko biết lúc nào họ sẽ giết tới mình.

    ReplyDelete
  4. Lu ko thích người ta thông minh thẳng thắn hơn là khôn vặt gian xão <-- he he, wrong typing nên sai nghĩa, phải bỏ chử KO đi mới đúng nhe!

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular posts from this blog

Thôi, làm Werewolf cho nó lành.

Đàn bà cá tính

Trích "Thư ngỏ gửi tuổi đôi mươi"