Nhóc Emil (2)
(Sau khi bà Krösa–Maja bị cô Lina cắt ngang câu chuyện về người sói và bực bội bỏ về )
Nhưng tối đến, khi đã lên giường nằm, Emil và bé Ida lại bàn luận về những con sói.
- May mà bây giờ không có sói nữa, - bé Ida bảo.
- Không có là thế nào? – Emil vặc lại. – Sao em biết được, khi mà em chẳng có cái bẫy nào để bẫy chúng?
Emil nằm thao thức, nghĩ ngợi rõ lâu. Càng nghĩ, nó càng tin chắc rằng chỉ cần một cái bẫy sói là thể nào nó cũng bắt được một con sói trong bẫy. Vốn nhanh nhẹn, ngay sáng hôm sau Emil bắt tay vào đào một cái bẫy sói trên khoảng đất giữa xưởng mộc và kho trữ thức ăn. Đây là nơi mà rất nhiều bụi lá han sẽ mọc vào mùa hè, nhưng lúc này chúng đã thâm đen, héo rũ trên mặt đất.
Phải mất khá lâu mới đào xong bẫy sói. Hố bẫy phải sâu để con sói đã sa xuống là không tài nào leo lên được nữa. Thi thoảng chú Alfred lại đào giúp Emil vài nhát thuổng, ấy vậy mà mãi đến trước kỳ Giáng Sinh cái bẫy mới hoàn tất.
- Thế mà lại hay, - chú Alfred nói. – Vì lũ sói sẽ không mò ra khỏi rừng chừng nào chưa vào tiết đông lạnh giá và chúng chưa đói rã họng.
Bé Ida rùng mình khi nghĩ đến những con sói đói trong rừng sẽ rón rén mò ra giữa đêm đông giá lạnh và vừa cất tiếng tru vừa lượn lờ quanh các góc nhà. Nhưng Emil chẳng rùng mình. Mắt sáng rỡ, nó nhìn chú Alfred, trong lòng khấp khởi nghĩ đến con sói sẽ sa xuống bẫy.
- Bây giờ cháu chỉ còn việc lấy cành cây phủ lên trên để con sói không phát hiện ra cái bẫy, - Emil hài lòng tuyên bố.
- Đúng thế! Ở đời phải có mưu mẹo, Stolle-Jocke nói và bắt rận bằng ngón chân, - chú Alfred liền phụ họa.
Đó là câu cửa miệng của dân làng Lonneberga. Riêng chú Alfred lẽ ra không được phép nói như vậy, vì Stolle-Jocke là ông nội của chú, cụ hiện đang tá túc trong trại tế bần cúa làng. Mà đãl à cháu thì không được phép đưa ông nội mình ra làm trò cười. Tất nhiên chú Alfred nói không chút ác ý, không đời nào. Chú chỉ nhắc lại lời mà tất cả những người khác đều nói mà thôi.
bây giờ chỉ còn phải đợi mùa đông thế nào cũng phải đến. Và mùa đông đến thật. Trước Giáng sinh ít ngày có sương giá, rồi bỗng nhiên tuyết bắt đầu rơi khiến ai nấy đều mừng rỡ. Tuyết rơi trên khắp trang trại Katthult, trên khắp làng Lonneberga, trên khắp vùng Smaland, cho tới khi tất cả đều bị phủ kín dưới một tấm chăn tuyết duy nhất. Những tấm ván rào vẫn nhô lên vừa đủ để người ta có thể nhìn ra đâu là đường. Nhưng giờ đây không ai còn có thể nhận biết ở khoảng giữa xưởng mộc và kho trữ thức ăn có một cái bẫy sói. Tuyết phủ trên miệng bẫy như một tấm thảm mỏng màu trắng, và tối nào Emil cũng cầu nguyện sao cho những cành cây tấp trên miệng hố không bị sập trước khi một con sói dẫn xác đến và rơi bịch xuống hố.
Lúc này mọi người ở trang trại Katthult khá bận bịu, vì lễ Giáng sinh ở đây được chuẩn bị rất kỹ càng. Trước tiên là tổng giặt giũ chăn ga gối đệm. Cô Lina và bà Krösa–Maja quỳ trên cái cầu lạnh ngắt bên dòng suối ở Katthult mà giặt. Cô Lina vừa khóc vừa thổi phù phù vào những ngón tay tê cóng vì giá lạnh. Con lợn được vỗ béo cho lễ Giáng sinh bị đem ra mổ thịt và bây giờ, theo lời cô Lina, trong bếp hầu như chẳng còn chỗ nào mà đứng nữa. Đâu đâu cũng la liệt nào giò nạc, thịt băm viên, nào xúc xích rán, dồi gan, rồi đùi lợn muối, sườn lợn hun khói, và những món gì gì nữa tôi chịu không biết hết. Đã là Giáng sinh thì phải có bia tươi nữa. Mẹ Emil đã ủ bia trong cái thùng gỗ to tướng trong kho. Còn bánh thì ôi chao mẹ làm nhiều loại đến nỗi chỉ nhìn cũng đủ chóng mặt: nào bánh siro, bánh mạch đen, bánh nghệ, bánh mì, bánh quế, và đặc biệt là những chiếc bánh vừng xinh xinh, rồi bánh kem, bánh quy nhiều màu, bánh rắc đường…….. chẳng tài nào kể ra cho hết. Tất nhiên cũng phải có nến nữa. Mẹ Emil và cô Lina thức gần một đêm để đổ nến, những cây nến to, nến nhỏ, rồi nến hình cây thông, vì dù sao cũng sắp Giáng sinh rồi. Chú Alfred và Emil thắng con Lukas vào cỗ xe trượt bằng gỗ và đi vào rừng chặt một cây thông đem về làm cây thông Noel, trong khi bố vào kho thóc lôi ra mấy bó lúa mạch mà bố đã cất dành cho bầy chim sẻ.
– Tất nhiên thế này là quá ư lãng phí, – bố nói. – Nhưng Giáng sinh thì lũ chim sẽ cũng phải được một lần chén thỏa thuê chứ.
Còn nhiều nữa những đối tượng mà người ta phải nghĩ đến, nhiều những đối tượng cũng cần một bữa no vào dịp Giáng sinh. Đó là những kẻ nghèo khó đang tá túc trong trại tế bần! Chắc chắn bạn không biết trại tế bần là gì, và bạn hãy mừng về điều đó. Trại tế bần là một thứ từng có ngày xưa, và nếu tôi kể tất cả thật chi tiết về nó, thì câu chuyện sẽ hẳn còn ghê rợn hơn mọi thứ chuyện kinh dị mà bà Krösa–Maja thường kể về bọn sát nhân, ma quỷ và dã thú. Nếu bạn tưởng tượng một căn lều nhỏ tồi tàn ngăn làm vài gian, nơi toàn những ông già bà lão tiều tụy, nghèo khổ chung sống giữa một mớ hỗn độn những rác rưởi, giẻ rách, chấy rận, đói khát và khốn khó, thì bạn sẽ biết thuở đó người nghèo sống ra sao trong trại tế bần. Chắc chắn trại tế bần ở làng Lönneberga không tệ hơn trại tế bần nơi nào khác, nhưng cũng đủ kinh khủng cho ai phải đến đó nương thân khi đã già yếu và không còn tự lo cho bản thân được nữa.
– Tội nghiệp ông nội, – chú Alfred thường nói. – Ông chẳng được lấy một ngày vui vẻ. Giá như ở đó đừng có mụ Maduskan hống hách, thích gây gổ tác oai tác quái thì còn đỡ!
Mụ đàn bà hổ lửa này nắm quyền sinh quyền sát trong trại tế bần. Chắc chắn mụ cũng chỉ là một người sống nương nhờ trong trại, nhưng mụ to cao nhất, khỏe nhất và độc ác nhất, và vì thế là người ra lệnh ở đây – điều mà đáng lẽ đã chẳng thể xảy ra, nếu Emil có cách nào lớn mau hơn và sớm trở thành ông chủ tịch hội đồng xã hơn. Nhưng đáng tiếc nó vẫn còn là một thằng bé và chưa thể làm gì để chống lại mụ Maduskan. Ông nội của chú Alfred sợ mụ và những người khác trong trại tế bần cũng sợ mụ.
– Nhìn xem mụ bước đi dữ dằn như một con sư tử cái giữa bầy cừu, – cụ Stolle–Jocke luôn nói vậy. Cụ có hơi lập di, cái cụ Jocke này, và nói năng cứ như trích dẫn Kinh Thánh, nhưng cụ nhân hậu và chú Alfred rất yêu người ông già nua của mình.
Những người già sống trong trại tế bần hầu như chẳng bao giờ được ăn no, đúng là quá khổ, mẹ Emil nghĩ vậy.
– Tội nghiệp các cụ, họ cũng phải có chút gì cho ấm bụng vào dịp Giáng sinh chứ, – mẹ bảo. Và vì thế mà vài ngày trước Giáng sinh người ta trông thấy Emil và bé Ida cùng xách một giỏ lớn đi trên con đường tuyết phủ đến trại tế bần. Mẹ đã xếp vào giỏ toàn những thứ ngon lành, mỗi món một ít, đủ tất cả các loại xúc xích, thịt lợn hun khói, đùi lợn muối, thịt băm viên, rồi bánh mì trắng, bánh tiêu đen, bánh ngọt Giáng sinh, lại cả những cây nến và một hộp thuốc lá ngửi cho cụ Stolle–Jocke nữa.
Chỉ ai bản thân cũng đã từng phải nhịn đói lâu ngày mới hình dung nổi các cụ ở trại tế bần hoan hỉ tới mức nào khi Emil và bé Ida mang đồ ăn đến. Tất cả bọn họ không mong ước gì hơn là lập tức đánh chén: nào cụ Stolle–Jocke, và vụ Kalle–Caro, cụ Johann–Một xu, cụ Niklas–Ve chai, cụ bà Fia–Tổ Đỉa, cụ bà Ulla–Tiên đoán tai ương, các cụVibergsche và Salia Amalia và còn nhiều nhiều cụ nữa bất kể tên gì. Nhưng mụ Maduskan quyết định:
– Không được ăn trước ngày Giáng sinh, ta nói để các ngươi biết!
Thế là chẳng ai dám hé răng cãi lại.
Emil và Ida ra về. Rồi đến ngày Giáng sinh. Hôm đó và những hôm sau nữa ở trang trại Katthult thật tuyệt. Tất cả mọi người cùng đến nhà thờ làng Lönneberga dự lễ Chúa Giáng sinh, và Emil thật sự vui sướng khi ngồi trên xe trượt, vì hai con ngựa Markus và Lukas phi nhanh đến nỗi tuyết bay xoáy quanh vó chúng và chúng bỏ xa các cỗ xe trượt khác.
Suốt buổi lễ, Emil ngồi ngoan ngoãn và yên lặng tại chỗ, phải, Emil cư xử đúng mực đến nỗi mẹ nó ghi lại như sau vào cuốn vở xanh: “Thằng bé thực ra rất ngoan đạo; nó không bày tý trò nghịch ngợm nào trong nhà thờ.”
Cả ngày lễ Giáng sinh đầu tiên Emil vẫn hiền hoà như thế. Nó và bé Ida ngoan ngoãn chơi những món quà Giáng sinh, và khắp trang trại Katthult yên ả tuyệt vời.
Nhưng rồi sang ngày Giáng sinh thứ hai, bố mẹ Emil phải đến Skorphult dự tiệc Giáng sinh. Skorphult là một trang trại ở tít đầu làng bên kia. Dân làng Lönneberga chẳng ai lạ gì Emil, thế nên trẻ con nhà này không được mời dự tiệc.
– Dào, anh cóc cần, – Emil nói. – Chỉ tội nghiệp cho nhà Skorphult. Cứ thế này thì những con người đáng thương ấy chẳng khi nào làm quen được với anh!
Tất nhiên bố mẹ định để cô Lina ở nhà trông bọn trẻ, nhưng mới sáng sớm cô đã khóc lóc và nhất định đòi về thăm mẹ cô hiện đang ở trong một túp lều gần trang trại Skorphult. Hẳn cô Lina đã hình dung sẽ tiện lợi biết bao nếu cô được đi ké xe trượt, vì đằng nào xe cũng chạy về hướng ấy.
– Thôi, để cháu trông nom bọn trẻ cũng được, – chú Alfred nói. –Thức ăn thì đã có sẵn. Cháu sẽ trông chừng không cho chúng nghịch diêm hoặc không cho chúng mó vào thứ này thứ khác là được chứ gì.
– Chắc chắn rồi, nhưng cậu biết thằng bé Emil thế nào rồi đấy, – bố Emil nói, mắt đăm đăm nhìn ra phía trước đầy vẻ u ám. Nhưng mẹ đã vội xen vào:
– Emil là một thằng bé dễ thương. Nó sẽ không nghịch ngợm, chí ít là trong lễ Giáng sinh này. Thôi đừng khóc nữa, Lina, chúng tôi cho cô đi cùng đấy!
Thế là xong.
Chú Alfred, Emil và bé Ida đứng bên cửa sổ bếp nhìn theo cỗ xe trượt khuất dần sau đầu dốc. Khi cỗ xe đã mất dạng, Emil hài lòng nhảy cẫng lên mà reo:
– Hoan hô! Bây giờ bọn mình sẽ đem sự sống vào ngôi nhà này!
Nhưng bỗng bé Ida giơ ngón tay trỏ gày gò chỉ ra đường.
– Nhìn kìa, cụ Stolle–Jocke đang đến, – cô bé nói.
– Ừ, thật nhỉ, – chú Alfred bảo. – Chắc xảy ra chuyện gì rồi.
Số là cụ Stolle–Jocke không được phép đi ra ngoài. Đầu óc cụ lẩn thẩn và cụ không tự nhớ đường được. Ít nhất thì mụ Maduskan cũng khẳng định như vậy.
– Lão già không tìm nổi đường đi lẫn lối về, – mụ nói. – Mà tôi thì chẳng có thời gian đâu mà đôn đáo chạy quanh tìm lão khi lão bị lạc.
Nhưng cụ Jocke luôn tìm được đường đến trang trại Katthult, và lúc này đây cụ lê bước trên đường tựa hồ như trên vai cụ đang chồng chất bao nỗi đau. Những sợi tóc bạc trắng bay lơ phơ quanh tai cụ và chả mấy chốc cụ đã nghẹn ngào đứng trên ngưỡng cửa bếp.
– Bọn ông không được chia thịt băm viên! – Cụ mách. – Cả xúc xích cũng không. Mụ Maduskan đã giành lấy hết.
Thế rồi cụ không nói được nữa vì khóc dữ quá.
Thế là Emil nổi giận, giận khủng khiếp tới mức cả chú Alfred và bé Ida đều không dám nhìn nó. Trong mắt Emil ánh lên vẻ hoang dại, và nó chộp một cái bát sứ để trên bàn.
– Mụ Maduskan có giỏi hãy lại đây! – Nó hét lên và ném thẳng cái bát vào tường khiến các mảnh vỡ bắn tung toé. – Đưa khẩu “sún” cho cháu!
Chú Alfred hoảng thật sự.
– Cháu hãy bình tĩnh đã nào, – chú nói. –Tức giận như thế nguy hiểm lắm đấy.
Đoạn chú quay sang vỗ về an ủi người ông tội nghiệp của mình và hỏi tại sao mụ Maduskan lại làm một việc kinh khủng như thế, nhưng điều duy nhất cụ Jocke có thể nói được lúc này là:
– Bọn ông không được chia thịt băm viên! Cả xúc xích cũng không. Mà ông chẳng được nhận thuố–ố–c l–á–á h–í–í–ít gì sất.
Bé Ida lại chỉ tay ra đường.
– Nhìn kìa, cụ Ulla – Tiên Đoán Tai Ương đến kìa!
– Để đưa ông về đấy mà, – cụ Jocke nói và bắt đầu run bắn toàn thân.
Cụ Ulla – Tiên Đoán Tai Ương là một bà lão nhỏ bé, nhanh nhẹn sống trong trại tế bần. Lần nào cũng vậy, hễ cụ Jocke biến mất là mụ Maduskan lại bắt bà cụ đi đến trang trại Katthult. Cụ Jocke hay mò đến trang trại Katthult, là nơi ngoài việc tìm thấy đứa cháu nội Alfred cụ còn được gặp mẹ Emil, người lúc nào cũng rất ân cần với những ai nghèo khó. Qua cụ bà Ulla – Tiên Đoán Tai Ương mấy chú cháu Emil mới nghe thủng câu chuyện. Đồ ăn từ trang trại Katthult mang đến bị mụ Maduskan cất hết trong một cái tủ để trên căn xép áp mái vốn khá lạnh vào mùa này. Nhưng vào hôm Giáng sinh, khi định đem số đồ ăn dự trữ ra, cụ thấy thiếu một mẩu xúc xích nhỏ, thế là mụ nổi ngay cơn tam bành.
– Cứ như con sư tử cái lồng lộn giữa bầy cừu vậy, – cụ Stolle Jocke nói và cụ Ulla – Tiên Đoán Tai Ương tán thành. Ôi chao, cái mụ Maduskan đã hành họ đến khốn khổ vì mẩu xúc xích và muốn dùng bạo lực để truy cho ra tên tội đồ đã đánh cắp mẩu xúc xích. – Nếu không, ở đây sẽ có một ngày Giáng sinh mà mới chỉ nghĩ đến thôi thiên thần của Chúa cũng phải khóc thét – mụ hăm doạ. – Và quả sẽ thế thật, cụ bà Ulla – Tiên Đoán Tai Ương cam đoan. – Là bởi không một ai muốn thú nhận mình đã lấy mẩu xúc xích, cho dù mụ Maduskan có nhảy chồm chồm và gào thét điên cuồng đến đâu. Nhưng một số người lại cho rằng chẳng qua mụ bịa ra như thế để lấy cớ giữ lại những miếng ngon cho mình. Dù thế nào thì đó cũng là một ngày Giáng sinh mà quả thật khi nghĩ đến thì ngay những thiên thần của Chúa cũng phải khóc, – cụ bà Ulla – Tiên Đoán Tai Ương nói.
Suốt hôm đó mụ Maduskan ngồi lì trên căp xép áp mái, bên chiếc bàn thắp nến lung linh mà chén liền tù tì nào xúc xích, thịt băm viên, rồi đùi lợn muối và bánh Giáng sinh, ních nhiều đến nỗi bụng căng muốn nổ tung. Trong khi ở gian dưới của trại tế bần, những kẻ khác ngồi khóc và chỉ có một tí cá muối bỏ vào mồm, cho dù đang lễ Giáng sinh.
Ngày hôm sau vẫn tệ như thế. Mụ Maduskan hơn một lần thề rằng chừng nào tên ăn cắp xúc xích chưa chịu thò mặt ra thú tội thì không kẻ nào được nhận dù chỉ một nửa viên thịt băm. Và trong lúc chờ đợi mụ lại leo tót lên căn xép ăn lấy ăn để, chẳng thèm trò chuyện với ai. Cứ một tiếng một lần, cụ bà Ulla lại nhòm qua lỗ khoá quan sát và chứng kiến tất cả lần lượt chui vào cái mồm rộng ngoác của mụ. Nhưng bây giờ hình như mụ Maduskan sợ rằng cụ Stolle–Jocke đã đến trang trại Katthult để tố cáo mụ, vì vậy mụ bảo cụ bà Ulla phải lập tức lôi cổ cụ Stolle–Jocke về nhà – bất kể còn sống hay đã chết.
– Thế nên có lẽ tốt hơn là chúng ta về nhà thôi, ông Jocke, – cụ bà Ulla nói.
– Phải đấy, ông ạ, – chú Alfred cũng bảo. – Người nghèo bao giờ cũng thua thiệt!
Emil không nói gì. Nó ngồi trên chiếc hòm gỗ, nghiến răng trèo trẹo. Cụ Jocke và cụ Ulla đã đi khỏi từ lâu mà nó vẫn ngồi đó, và người ta nhận thấy nó đang nghĩ ngợi. Cuối cùng nó đấm tay xuống chiếc hòm gỗ và nói:
– Anh biết ai sẽ mở tiệc rồi!
– Ai thế ạ? – Bé Ida hỏi.
Emil lại đấm tay lần nữa xuống chiếc hòm gỗ.
– Anh! – Nó đáp. Đoạn nó kể bữa tiệc sẽ như thế nào. Sẽ là bữa tiệc ồn ào náo nhiệt, vì bây giờ tất cả những người ở trại tế bần làng Lönneberga sẽ được mời đến trang trại Katthult này, thậm chí ngay lập tức!
– Vâng, nhưng mà anh Emil, anh chắc đây không phải là một trò nghịch dại đấy chứ? – Bé Ida sợ hãi hỏi.
Chú Alfred cũng sợ và nghĩ đây là một trò nghịch dại. Nhưng Emil cam đoan với chú rằng không phải. Đây là một việc làm tốt, và ngay đến các thiên thần của Chúa cũng sẽ phải vỗ tay hoan hô, giống như đã từng phải khóc trước lễ Giáng sinh khốn khổ của các cụ ở trại tế bần.
– Mẹ cũng sẽ vui cho mà xem, – Emil nói.
– Vâng, nhưng còn bố……. – bé Ida rụt rè nói.
– Hừm, – Emil tư lự. –Nhưng dù thế nào thì đây cũng không phải là trò nghịch dại. –Nói rồi nó lại im lặng và ra chiều nghĩ ngợi.
– Nhưng lôi được tất cả bọn họ ra khỏi cái hang của mụ sư tử ấy mới là điều khó nhất, – Emil nói. – Nào, chúng mình tới đó thử xem!
Lúc này mụ Maduskan đã tọng hết xúc xích, thịt băm viên, đùi lợn muối, thịt hun khói, rồi cả chỗ bánh Giáng sinh còn lại cũng như những chiếc bánh quế cuối cùng vào bụng. Mụ còn hít lấy hít để chỗ thuốc lá ngửi lẽ ra sẽ là của cụ Stolle–Jocke. Giờ đây mụ ngồi trong gian buồng áp mái và cảm thấy khổ sở, như người ta vẫn thường cảm thấy mỗi khi đã làm điều gì không phải, hơn nữa lại còn ăn hơi nhiều thịt băm viên. Xuống dưới nhà với đám già kia thì mụ không muốn. Bọn họ cứ thở dài sườn sượt và cứ giương mắt nhìn mụ mà chẳng nói chẳng rằng.
Đang ngồi rầu rĩ thì mụ nghe có tiếng gõ cửa bên ngoài. Mụ vội lật đật xuống thang xem ai.
Đứng ngoài cửa té ra là Emil. Thằng bé Emil ở trang trại Katthult. Mụ đâm hoảng. Chắc lão Stolle–Jocke và mụ Ulla – Tiên Đoán Tai Ương đã mách lẻo gì rồi, nên thằng bé Emil mới mò tới tận đây.
Nhưng Emil bé bỏng chỉ cúi chào lễ phép và hỏi:
– Lần trước đến đây cháu có bỏ quên con dao nhíp của cháu không ạ?
Thử nghĩ xem Emil có láu cá không cơ chứ? Con dao nhíp của nó vẫn nằm nguyên trong túi quần mà. Nhưng Emil cần kiếm cớ để vào trại tế bần nên bịa ra câu hỏi này.
Mụ Maduskan cam đoan rằng bọn họ không hề thấy con dao nhíp nào cả. Thế là Emil bèn hỏi:
– Món xúc xích có ngon không ạ? Cả món thịt đông và những món khác nữa.
Mụ Maduskan cụp măt, ngó đăm đăm xuống hai bàn chân to bè của mụ.
– Có chứ, có chứ, – mụ vội đáp. – Phải bà mẹ đáng mến của cậu ở trang trại Katthult……… bà ấy rất biết người nghèo cần gì. Cho tôi gửi lời chào thắm thiết đến bà ấy nhé!
Lúc này Emil muốn nói ra điều nó định nói, cũng chính là lý do mà nó đến đây. Tuy nhiên nó làm như thể tiện mồm thì nói chứ chẳng có gì quan trọng.
– Bố mẹ cháu đang dự tiệc Giáng sinh ở Skorphult,– nó nói.
Mụ Maduskan nổi cơn tò mò.
– Vậy hả, hôm nay ở Skorphult có tiệc hả? Thế mà ta không biết đấy.
Phải, nếu biết thì bà đã chẳng mò đến đó từ lâu rồi. Emil nghĩ. Cũng như mọi dân làng Lönneberga, Emil biết tỏng là hễ biết bất kỳ ở đâu có tiệc, y như rằng mụ Maduskan lù lù dẫn xác đến trước nhà bếp. Và đừng hòng mụ chịu rời bước nếu chưa nhận được ít nhất là một miếng bánh pho mát. Mụ sẵn sàng lao qua lửa vì bánh pho mát. Và nếu bạn từng dự một bữa tiệc ở làng Lönneberga, thì bạn cũng biết rõ như mụ Maduskan rằng trên bàn ở đây xếp cả dãy âu đồng sáng loáng đựng đầy bánh pho mát mà khi tàn tiệc thực khách sẽ được biếu đem về, coi như “chút lộc” – như dân làng Lönneberga thường gọi.
– Mười bảy ổ bánh phô mai, – Emil nói. Bà nghĩ sao ạ?
Emil làm sao biết được liệu ở trang trại Skorphult có tới mười bảy ổ bánh phô mát hay không. Nó cũng không khẳng định điều đó, vì không muốn nói dối. Vì vậy mà nó chỉ ranh mãnh nói bâng quơ. “Mười bảy ổ bánh phô mát, bà nghĩ sao ạ?”
– Phải, ta cũng đang muốn biết đây, – mụ Maduskan đáp.
Rồi Emil bỏ đi. Nó đã làm xong việc cần làm. Nó biết chậm nhất chỉ nửa giờ nữa, mụ Maduskan sẽ lên đường đến trang trại Skorphult.
Và Emil đã tính toán đúng. Cùng chú Alfred và bé Ida nấp sau đống củi lớn, nó thấy mụ Maduskan quấn chiếc khăn quàng rõ dày, tay khoác cái bị ăn xin, ra khỏi nhà: mụ sắp đánh đường đến Skorphult. Nhưng – có ai hình dung nổi một mụ phù thủy như mụ chăng? – Mụ khóa trái cửa và lận chiếc chìa khóa vào người. Mụ đã nghĩ ra trò quái quỷ gì vậy! Giờ đây những con người khốn khổ kia đã bị giam như trong nhà ngục. Và hẳn mụ Maduskan đắc chí cho rằng làm thế là phải. Lão Stolle–Jocke thế nào chẳng tìm cách thoát ra và mụ muốn cho lão biết ở đây ai là người có quyền và lão đừng hòng giỡn mặt ai!
Rồi với tốc độ nhanh nhất mà cặp giò mập ú của mụ cho phép, mụ Maduskan tất tả chạy về hướng Skorphult. Emil đi đến lay lay cánh cửa và nhận thấy cửa được khóa rất kỹ. Cả chú Alfred và bé Ida cũng góp một tay, nhưng cửa đã khóa trái và không tài nào giật ra được.
Tất cả ông lão bà lão sống trong trại tế bần đổ xô đến bên cửa sổ, hoảng hốt trân trối nhìn ba chú cháu lúc bấy giờ đứng bên ngoài đang tìm cách vào trong. Emil gọi:
– Các ông các bà hãy đến trang trại Katthult để ăn tiệc! Chỉ cần các công các bà ra khỏi đây thôi ạ!
Trong nhà lời qua tiếng lại bắt đầu nổ lên rào rào như trong tôt ong. Tiếng động có một không hai, kỳ lạ, đồng thời toát lên một nỗi khốn khổ đến tuyệt vọng, vì họ đang bị nhốt trong đó và không biết làm cách nào để thoát ra ngoài.
Có thể bây giờ bạn sẽ nói: Tại sao họ không mở cửa sổ mà trèo ra, có khó gì nhỉ? Người ta liền nhận thấy bạn chẳng biết tí gì về lớp cửa sổ bên trong cả. Vào mùa Đông không thể mở một cánh cửa sổ nào của trại tế bần cũng vì lớp cửa sổ bên trong này. Lớp cửa sổ bên trong bị đóng đinh rất chắc, hơn thế nữa người ta còn dán những băng giấy bịt dọc theo khung cửa để gió không lọt vào được. Thế thì làm sao lưu thông khí trong nhà? Có thể bạn sẽ hỏi. Bạn nhỏ thân mến ơi, sao bạn có thể đặt một câu hỏi ngốc nghếch thế cơ chứ! Có ai bảo người ta thường thông khí trong trại tế bần đâu? Chẳng ai thèm quan tâm đến việc điên rồ đấy, vì chẳng ai khao khát thêm không khí trong lành ngoài một tí tẹo khí trời lọt qua đường ống khói, qua những kẽ hở trên tường và sàn nhà. Không, những con người khốn khổ đó không thể ra qua lối cửa sổ!
Kể ra cũng có một cửa sổ mở được, nhưng ở tận trên căn buồng áp mái của mụ Maduskan cơ. Nhưng chẳng ai trong số các cụ ở trại tế bần bụng đang đói meo có thể nhảy từ độ cao bốn mét từ trên đó xuống để đi ăn tiệc cả– thế có khác nào nhảy lên thiên đường chầu trời, ai cũng biết thế.
Nhưng đời nào Emil chịu bó tay trước những việc cỏn con như thế. Quả nhiên nó tìm được một cái thang dấu dưới kho củi, bèn bắc thang cửa sổ áp mái mà cụ Ulla đã vui sướng mở toang hai cánh. Chú Alfred trèo lên thang. Chú to cao, khỏe mạnh, với chú thì việc vác các cụ già thấp bé nhẹ cân nhẹ tựa lông hồng. Các cụ cũng than những tiếng “ồ, à”, nhưng rốt cuộc đều “hạ cánh” an toàn cả. Mỗi cụ bà Salia Amalia ở lại. Cụ không dám và cũng không muốn đi. Nhưng cụ Vibergsche hứa sẽ ra sức tha thật nhiều thức ăn về cho bạn, thế là cụ Salia Amalia hài lòng.
Nếu trong ngày Giáng sinh này có ai đi xe ngựa dọc đường đến trang trại Katthult vào lúc trời chiều chạng vạng, hẳn sẽ tin rằng đang nhìn thấy một đoàn các bóng ma xám xịt vừa thở hào hển vừa cà nhắc cà nhót lê chân trên triền đồi thẳng hướng Katthult. Mà quả thật trông họ rất ma quái trong những bộ cánh rách rưới, những cụ già đáng thương này, nhưng họ đang vui như chim và hân hoan tựa trẻ nhỏ. Ôi trời, ôi trời! Lần cuối cùng họ được có mặt trong tiệc Giáng sinh đã xửa xưa lắm rồi! Họ vui sướng khi nghĩ đến việc mụ Maduskan lát nữa quay về sẽ chỉ thấy khu trại tế bần trống không, chỉ còn lại trơ trọi một sinh linh tội nghiệp, ấy là cụ bà Salia Amalia.
– Hihi, đáng đời mụ! – Cụ Johann – Một Xu nói, – Hi hi, thế là mụ trơ thân mụ mà không có chúng ta! Cho mụ nếm mùi cô đơn!
Ai nấy đều cười hể hả. Nhưng sau đó, khi họ bước vào bếp của trang trại Katthult và Emil thắp lên năm ngọn nến to, ánh nến phản chiếu trên những chiếc chảo đồng vừa mới cọ sáng choang treo trên tường làm mọi vật trở nên lung linh huyền ảo, thì họ bỗng im phăng phắc, còn cụ Stolle–Jocke cữ ngỡ mình đang ở trên thiên đàng.
– Xem kìa, ấy là ánh sáng và phước lành vô biên… – cụ nói và bật khóc. Vì cụ Jocke luôn khóc khi quá vui hay quá buồn.
Nhưng Emil đã bảo: – Chúng ta vào cuộc thôi!
Và họ bắt đầu vào cuộc, Emil, chú Alfred và bé Ida bưng lên tất cả những gì có thể tha được từ kho thực phẩm ra. Và bây giờ bạn cần biết trên bàn ăn của trang trại Katthult có những gì sau khi chú cháu họ đã bày ra hết.
Này nhé:
một liễn dồi tiết
một liễn xúc xích lợn
một liễn thịt muối
một liễn pate gan
một liễn xúc xích hun khói
một liễn thịt băm viên
một liễn thăn bê
một liễn sườn lợn nướng
một liễn xúc xích rán để nguội
một liễn dồi gan mới làm
một liễn xa–lát cá muối
một liễn thịt hun khói
một liễn lưỡi bò dầm muối
một chảo tướng đùi lợn muối Giáng sinh
một chảo tướng phô mai Giáng sinh
một giỏ bánh mì trắng
một giỏ bánh mì ngọt
một giỏ bánh mì lúa mạch
một can nước ép quả tươi
một can sữa tươi
một liễn cháo tấm kiều mạch
một khay bánh pho mát
một tô mận bỏ lò
một khay bánh táo
một liễn kem tươi
một tô mứt dâu tây
một tô mứt lê
và
một chú lợn sữa nhỏ quay nguyên con, hai mắt gắn hai viên kẹo đường màu trắng.
Tôi nghĩ đó là tất cả. Tôi không thể quên quá ba món, nhiều lắm là bốn món, ừ, mà thôi để chắc chắn, cứ cho tôi quên quá 5 món đi…. còn lại tôi đã liệt kê ra hết rồi đấy.
Các cụ già của trại tế bần làng Lönneberga ngồi quanh bàn, họ ngồi chờ đợi rất kiên nhẫn, nhưng cứ mỗi chiếc liễn được bưng ra là một lần họ cảm động đến rớt nước mắt. Cuối cùng Emil nói:
– Xin mời các cụ! Ta nhào vô thôi!
Thế là họ nhào vô thật, họ ăn rào rào. Chú Alfred, Emil và bé Ida cũng ăn. Bé Ida không nuốt được quá mấy viên thịt băm, vì nó bắt đầu băn khoăn. Nó bắt đầu tự hỏi liệu đây có phải việc không nên làm. Nó chợt nhớ là ngày mai, tức ngày thứ ba của lễ Giáng sinh, những người họ hàng từ Ingatorp định đến trang trại Katthult. Vậy mà thức ăn cho bữa tiệc ngày mai đã bị chén sạch từ hôm nay. Nó nghe xung quanh tiếng cắn rau ráu, tiếng húp sụp soạp và tiếng nhai chóp chép. Cứ như thể có một bầy thú ăn thịt đang sà xuống những cái liễn, những tô và những can đồ ăn thức uống vậy. Bé Ida hiểu rằng chỉ có những ai đói khát thực sự mới ăn uống như vậy, nhưng nó vẫn sợ. Nó kéo ông tay áo Emil, thì thầm để không ai ngoài Emil nghe được.
– Anh chắc đây không phải trò nghịch dại đấy chứ? Nên nhớ mai là ngày họ hàng nhà mình ở Ingatorp đến đấy!
– Họ đủ béo rồi, – Emil thản nhiên đáp. – Hẳn thức ăn chảy vào đâu có ích thì vẫn hơn. Nhưng sau đó nó cũng hơi lo lo, vì xem ra sau khi bữa tiệc này tàn sẽ không còn lại nổi dăm lạng thịt băm viên. Những gì không chui được vào mồm thì cũng chui vào nào túi, nào ruột tượng, loáng cái cả liễn lẫn tô đã sạch nhẵn.
– Giờ tôi đã tổng càn quét xong món sườn lợn, – cụ Kalle–Carô vừa nói vừa gặm mẩu xương cuối cùng.
– Còn tôi tổng càn quét món xa–lát cá muối, – cụ Fia–Tổ đỉa nói.
Họ nói “tổng càn quét” có nghĩa là họ vét sạch mọi thứ khiến các liễn thức ăn giờ đây nhẵn như chùi.
– Bây giờ chúng ta đã tổng dọn dẹp hết mọi thứ rồi, – cuối cùng cụ Niklas–Ve chai tuyên bố, và chưa bao giờ cụ tả được một câu thực hơn thế.
Bởi vậy mà sau này bữa tiệc mãi mãi được gọi là “cuộc tổng càn quét ở Katthult”, vì bạn phải biết rằng rất lâu sau dân làng Lönneberga và các thôn khác vẫn còn kháo nhau hoài về chuyện đó.
Lúc này còn duy nhất một thứ là chú lợn sữa quay giòn. Chú đứng trên bàn, hai con mắt bằng hai viên kẹo trân trối nhìn với vẻ rầu rĩ.
– Ui chao, trông con lợn chẳng khác gì một con tiểu yêu, – cụ Fia–Tổ đỉa nói. – Tôi hãi chạm vào nó lắm!
Chưa bao giờ cụ thấy lợn quay nguyên con cả, các cụ khác cũng vậy. Vì vậy mà các cụ như có phần kính nể con lợn, không động đến nó.
– Chắc chẳng còn chiếc xúc xích nhỏ nào đâu nhỉ? – Cụ Kalle–Carô nói, sau khi tất cả các liễn đã sạch nhẵn.
Nhưng Emil đáp rằng khắp trang trại Katthult chỉ còn một chiếc xúc xích nhỏ được găm ở đầu một cái que trên cái bẫy sói của nó. Và chiếc xúc xích phải ở lại đó làm mồi nhử con sói mà Emil đang đợi. Không, cụ Kalle không được ăn chiếc xúc xích đó, các cụ khác cũng vậy.
Bỗng cụ bà Vibergsche kêu lên:
– Còn bà Salia Amalia! Chúng ta quên mất bà ấy!
Cụ nháo nhác nhìn quanh tìm lời khuyên, và dừng mắt ở con lợn quay.
– Chắc có thể đề phần thứ đó cho bà ấy chứ, cụ bà Amalia ấy mà? Mặc dù trông nó như một con ma. Hay cháu nghĩ sao hở, Emil?
– Vâng, hẳn phải để phần con lợn cho bà ấy thôi, – Emil thở dài đáp.
Lúc này tất thảy bọn họ đều no đến nỗi không nhúc nhắc nổi nữa. Họ hoàn toàn không còn khả năng tự tha thân xác trên đôi chân của mình trở về trại tế bần.
– Chắc chúng ta phải dùng cỗ xe trượt thôi, – Emil nói.
Và họ đã làm thế. Trang trại có một cỗ xe trượt rất to bằng gỗ dài, nhưng dùng để tải đồ. Trên cỗ xe tải trượt đó có thể tha hồ chở các cụ trại tế bần, dù rằng lúc này các cụ có ngẫu nhiên béo hơn bình thường một chút.
Trời đã tối, trên trời lấp lánh các vì sao. Trăng rằm cũng lửng lơ treo, và tuyết trải trắng cả vùng. Thời tiết mới êm dịu và tuyệt vời làm sao! Đúng là một buổi tối lý tưởng để đi xe trượt. Emil và chú Alfred đỡ tất cả các cụ lên xe. Cụ Vibergsche ôm con lợn ngồi ở đầu xe, sau đó lần lượt đến các cụ khác, tít sau cùng là bé Ida, Emil và chú Alfred.
– Lên đường nào! – Emil thét to.
Thế là cỗ xe trượt lao xuôi xuống triền đồi Katthult, khiến tuyết tung trắng xóa và các cụ trên xe rú lên hoan hỉ, vì lần cuối cùng họ được đi xe trượt đã xa xưa lắm rồi. Ồ, họ hò reo mới khiếp chứ! Mỗi chú lợn quay là đứng im lìm trong tay cụ Vibergsche.
Nào, còn mụ Maduskan, nãy giờ mụ làm gì nhỉ?
Phải, bạn cần phải nghe chuyện này. Tôi ước gì bạn trông thấy mụ khi mụ từ Skorphult trở về, trở về từ cuộc săn bánh pho mát của mụ! Nhìn xem mụ về tới nơi trong chiếc khăn choàng len màu xám của mụ, béo tốt và thỏa mãn, xem mụ móc chìa khóa ra và tra vào ổ – mụ gừ gừ vui sướng khi nghĩ đến những kẻ đáng thương trong kia giờ đã trở nên khiêm nhường và ngoan ngoãn thế nào. Phải, phải, cuối cùng chúng cũng nên biết ở đây ai là người quyết định. Đương nhiên bao giờ cũng là ta!
(còn tiếp)
Mụ phù thủy Maduskan cần được cho sập xuống bẩy sói, cho mụ ấy té dập mặt một phát rụng hết cả răng ra. Ko còn răng thì từ nay mụ sẽ ko ăn tham nữa. Có thịt có xúc xích ngon cách mấy thì mụ cũng chỉ nhìn thòm thèm, rồi chảy nước miếng thôi.
ReplyDeletePhải tay Lu thì sẽ cắm thêm cái bàn chông dưới bẫy sói, rồi cho mụ ấy ịch một phát mông dính đầy chông, thành tàn tật đứng ngồi ko yên. Ngồi một xí đau đít quá mụ ấy sẽ phải đứng dậy như trời hành. Phải làm như thế để trừng trị bản tính ác độc của mụ ấy.
Thèng bé Emil khá thật, giống như Robin Hood í.
You kể tiếp nhanh đi heng, xem coi mụ phù thủy ấy phản ứng ra sao khi mở cửa vào nhà :))
You câu giờ quá nhe, kể tiếp đi...
ReplyDelete